Đạo diễn Khải Hưng và diễn viên Chiều Xuân của phim “Mẹ chồng tôi” chia sẻ với VnExpress.net cảm xúc khi biết tin NSƯT Thu An ra đi mãi mãi hôm 3/10.

Mẹ hiền màn ảnh Việt: Khó ai vượt cố nghệ sĩ Ánh Hoa, NSƯT Phi Điểu

Chiều 4/10, ngay sau khi biết tin người bạn diễn năm xưa trong Mẹ chồng tôi từ giã cõi đời, NSƯT Chiều Xuân đã tới chia buồn với gia quyến NSƯT Thu An. Trong căn nhà nhỏ cũ kỹ trên phố Hoàng Hoa Thám, chị Kim Anh – con gái cố nghệ sĩ – đã chia sẻ với VnExpress.net về những năm tháng cuối đời của mẹ mình.

NSƯT Chiều Xuân (phải) tới chia buồn với gia quyến NSƯT Thu An. Ảnh: N.M.

“Mẹ tôi bị tai biến mạch máu não từ cuối năm ngoái, lúc thì quên, lúc lại rất nhớ. Nhưng cứ nói đi đóng phim là thích lắm, nhiệt tình lắm. Năm 2009, cụ bị gẫy chân nhưng khi có các cháu bên trường điện ảnh mời đi đóng phim bài tập thì cụ vẫn cố lê đi. Nghệ thuật đã ăn vào trong máu cụ rồi và không bao giờ nói là mình yếu, mệt”, chị Kim Anh chia sẻ.

Nghệ sĩ Chiều Xuân không giấu được nỗi xúc động và những giọt nước mắt khi nhớ lại hình ảnh của NSƯT Thu An khi còn sống: “Sự nghiệp của tôi gắn liền với bộ phim Mẹ chồng tôi. Dù tôi có đóng bao nhiêu bộ phim khác đi chăng nữa thì câu đầu tiên và câu cuối cùng, ai cũng nhắc tới Mẹ chồng tôi. Mà khi đã hỏi tôi về bộ phim này thì ai cũng hỏi thăm cả cụ Thu An”.

“Thi thoảng tôi vẫn qua thăm cụ. Nhiều lần đi ngang qua đường Hoàng Hoa Thám vẫn thấy cụ đứng ở cửa gọi ‘Mày đi đâu đấy?’. Lúc nào trông cụ cũng khỏe mạnh, nhiệt tình, nói cười khanh khách nên tôi cũng yên tâm. Khi nghe tin cụ mất, tôi cảm thấy có một sự mất mát, trống vắng khó có thể bù đắp được. Cụ Thu An luôn để lại một hình ảnh ấm áp trong lòng mọi người. Cụ gắn với những nhân vật đôn hậu, gợi nhắc một lối sống tốt đẹp, chân thành. Những vai cụ diễn không phải là ‘diễn’ mà chính là bản thân con người cụ”, NSƯT Chiều Xuân nói tiếp.

Thu An, Khải Hưng, Chiều Xuân, Trần Lực – bốn cái tên đã làm nên một “Mẹ chồng tôi” kinh điển của lịch sử phim truyền hình Việt Nam.

Đạo diễn Khải Hưng là một trong những người đầu tiên biết tin buồn này tối 3/10. Ông chia sẻ: “Tôi có được thành công một phần là nhờ chị Thu An. Mẹ chồng tôi là phim đầu tiên trong chương trình Văn nghệ chiều chủ nhật và bộ phim này có chỗ đứng trong lòng khán giả lớn tuổi là nhờ chị Thu An. Tôi cảm thấy, hình ảnh bà mẹ chồng đã ra đi cùng chị Thu An, bởi nó gắn chặt với chị khi còn sống. Đời người ai cũng phải ra đi, nhưng những người ra đi trước để lại cho những người còn lại sự tiếc thương, nỗi đau”.

Khi còn sống, NSƯT Thu An cũng rất thân thiết với các nhà làm phim trẻ, đặc biệt là những sinh viên ngành điện ảnh. Khi có lời mời, bà vẫn tham gia những bộ phim ngắn bài tập, phim tốt nghiệp của sinh viên.

Biết tin bà từ trần, đạo diễn trẻ Đỗ Quốc Trung – sinh viên năm cuối ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội – chia sẻ trên trang cá nhân: “Thật trùng hợp, từ một tuần nay mình chỉ quanh quẩn nghĩ đến bà, mình đã nghĩ đến việc mời bà vào một vai trong phim ngắn tốt nghiệp của mình. Bà là một nghệ sĩ đáng kính và phúc hậu. Mới ngày nào còn dắt bà bước đi giữa sân trường Điện ảnh, bà cười cười nói nói đầy nhanh nhẹn và thân thiện. Mỗi ngày trôi qua điện ảnh Việt Nam lại mất đi những nghệ sĩ tài năng, làm việc bằng tất cả niềm đam mê và sự nghiêm túc. Sẽ lâu lắm để chúng ta lấp khoảng trống từ cả một thế hệ tài năng thực sự đang và dần ra đi. Thật buồn khi từ nay không còn được thấy dòng chữ quen thuộc NSƯT Thu An trên genegic của mỗi bộ phim nữa. Hà Nội lại mưa…”.

Hình ảnh quen thuộc của NSƯT Thu An khi còn sống tại căn nhà nhỏ cũ kỹ trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Hàng ngày bà vừa bán, chăm sóc cây cảnh, vừa trông nom một quán nước chè nho nhỏ. Ảnh: St.

NSƯT Thu An sinh năm 1922 và là người Hà Nội gốc. Bà là một trong số ít nghệ sĩ từng tham gia Chung một dòng sông – bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam vào năm 1959. Khi đó, Thu An đang là lính của sư đoàn 308 và chính nhờ Chung một dòng sông, bà đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều thế hệ yêu điện ảnh Việt Nam thường nhớ đến NSƯT Thu An với hình ảnh một người phụ nữ có nụ cười đôn hậu, ánh mắt hiền từ, mái tóc bạc dài như cước.

Ngoài Chung một dòng sông, những bộ phim đáng nhớ trong sự nghiệp của bà là Sao tháng Tám, Tướng về hưu… và nhất là Mẹ chồng tôi. Hình ảnh bà mẹ chồng tảo tần, bao dung, nhân hậu mà NSƯT Thu An thể hiện đã gây được ấn tượng khó phai trong lòng công chúng những năm 1990. Nhiều người vẫn nhớ như in câu nói của nhân vật bà mẹ chồng dành cho cô con dâu lỡ có thai với người đàn ông khác trong bộ phim này: “Con ơi, con hãy đứng dậy mà đi, cứ để mọi việc mẹ lo, đời người ai cũng có những sai lầm”. Câu thoại này không hề có trong kịch bản gốc mà do chính Thu An lấy những suy nghĩ thực của lòng mình tạo thành thoại cho nhân vật.

Nghỉ hưu sau gần 40 năm cống hiến cho nghệ thuật, Thu An mở quán trà và bán cây cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám. Tuy nhiên, đam mê nghệ thuật trong bà chưa bao giờ tắt. Khi có lời mời đóng phim, bà vẫn nhiệt tình tham gia. Bà từng đóng trong rất nhiều phim ngắn bài tập, phim ngắn tốt nghiệp của các sinh viên Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Bà từ trần vào lúc 19h30 ngày 3/10.

Tang lễ NSƯT Thu An được cử hành từ 8h30 đến 11h30 sáng 6/10 tại nhà tang lễ bệnh viện E Trung ương, 87 Trần Cung, Cầu Giấy, Hà Nội.