Câu chuyện về đôi vợ chồng đến với nhau khi tay trắng, cùng nuôi dạy 7 người con và trong đó có người là Phó giáo sư khiến nhiều cư dân mạng nể phục. 

Gần đây, mình xem lại chương trình Tình Trăm Năm và quá đỗi ngưỡng mộ trước câu chuyện hôn nhân của chú Nguyễn Văn Thơm (69 tuổi) và cô Huỳnh Thị Nghĩa (65 tuổi). Trong gần 50 năm là vợ chồng, cô chú chưa một lần cãi vã lớn tiếng bởi áp dụng nguyên tắc “cơm sôi nhỏ lửa”, khi chồng nóng nảy là vợ nhẫn nhịn, bình tĩnh giải quyết mâu thuẫn.

hình ảnh

Cô Nghĩa và chú Thơm. (Ảnh: chương trình Tình Trăm Năm)

Cô chú đến với nhau khi tuổi còn khá trẻ. Năm 1971, mẹ của chú Thơm ngỏ ý muốn cưới cô Nghĩa cho con trai. Tuy vậy, lúc đó gia đình không khá giả nên chú lăn tăn, lo lắng về điều này.

Về phía cô Nghĩa, khi đó cô chỉ 17-18 tuổi và là chị lớn trong nhà nên muốn lo cho các em chu toàn thay vì nghĩ đến chuyện lấy chồng. Do vậy, cô từ chối lời cầu hôn từ gia đình chú Thơm.

Một năm sau, mẹ của chú Thơm lại sang nhà của cô Nghĩa để nói chuyện. Lần này, ba của cô đã khuyên con gái: “Con lấy Thơm đi, ba thấy nó hiền lành, dễ thương, xứng đôi với con”. 

Nhờ gia đình tác hợp, cô đồng ý gặp mặt chú Thơm. Nhớ lại lần đầu gặp nhau, người đàn ông U70 hài hước kể: “Ngày ấy tôi lên, thấy tôi đẹp trai quá nên bà ấy kết luôn”.

Lý do khiến cô Nghĩa quyết định kết hôn với người đàn ông này bởi cảm tình vì đối phương hiền lành, chịu thương chịu khó. Mỗi khi đến nhà của cô chơi, chú đều phụ giúp quét dọn nhà cửa, chăm các em của cô Thơm.

Đôi bên qua lại, hẹn hò khoảng 6-7 tháng là gia đình tác hợp tổ chức đám cưới. Nhớ về ngày đầu cưới chồng, cô Nghĩa cho biết đã khóc rất nhiều vì nhớ nhà cũng như lo lắng, không biết tương lai sẽ ra sao.

Ở bên nhà chồng, cô Nghĩa dần nhận ra mình thật may mắn vì được chồng và bố mẹ chồng yêu thương, đối xử tử tế. Thời đó, đôi vợ chồng trẻ còn nghèo và đi làm đồng, nương rẫy để mưu sinh.

hình ảnh

(Ảnh: chương trình Tình Trăm Năm)

“Quả ngọt” của đôi vợ chồng này là lần lượt 7 người con ra đời. Cuộc sống càng thêm nặng trĩu nỗi lo về cơm áo gạo tiền. Thậm chí, có lúc vợ chồng chú Thơm phải ăn tạm rau chấm nước muối qua ngày vì mùa màng thất bát.

Tuy vất vả là thế, nhưng đôi vợ chồng luôn nỗ lực, chăm chỉ để vươn lên khó khăn. Sau này, cô chú dành dụm được ít tiền và đóng chiếc thuyền nhỏ để chở lúa đi bán. Vì mưu sinh, đôi vợ chồng có khi lênh đênh rày đây mai đó đến cả tuần mới về nhà.

Chia sẻ về các con, cô Nghĩa tâm sự: “Tội nhất là anh hai, anh ba, không được học hành tới đâu. Nhà nghèo, đông con nhưng các con của cô đều rất ngoan, cô chú rất tự hào. Hai anh lớn hy sinh cho 5 người em. 5 người em có trách nhiệm lo học nên học giỏi lắm. Bố mẹ không có nhà nhưng các con đi học về đều được khen thưởng, mỗi đứa ôm một hộp quà, cô nhìn mà rơi nước mắt”.

hình ảnh

Các con của cô chú xúc động khi nghe bố mẹ kể chuyện. (Ảnh: chương trình Tình Trăm Năm)

Sau này, các con của cô Nghĩa chú Thơm đều thành đạt, có công việc ổn định. Người con đầu đang làm trong lĩnh vực bất động sản, người con kế mở tiệm sửa xe, người con thứ 4 của cô chú từng giành học bổng du học toàn phần tại Hàn Quốc. Hiện tại, chị là Phí giáo sư, Tiến sĩ và công tác tại trường đại học ở TP.HCM.

Gần 50 năm là vợ chồng, cô chú đã đi qua bao thăng trầm trong cuộc sống, luôn nắm tay nhau vượt khó khăn và là tấm gương cho các con. Khi cuộc sống dần ổn định hơn, các con trưởng thành và thành đạt, đôi vợ chồng có thể tận hưởng tuổi già bên nhau và quây quần con cháu.

hình ảnh

Bên nhau từ thuở hàn vi, cùng nỗ lực nuôi dạy 7 người con, mình rất ngưỡng mộ tình yêu của cô chú. Quả thật, tình yêu như sức mạnh giúp vợ chồng càng thêm đồng lòng đồng sức vượt khó khăn. Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn. Dĩa rau, chén muối khó khăn ngày nào càng nhắc vợ chồng phải luôn yêu thương nhau vì đã từng trải qua những tháng ngày đầy gian khó.