Hội đồng xét xử đại án “chuyến bay giải cứu” tuyên phạt bị cáo Tô Anh Dũng – cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao 16 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Sau 6 ngày nghị án, chiều 28/7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án với 54 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu.

HĐXX tuyên phạt cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng 16 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, cao hơn mức án đề nghị.

Trước đó, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Tô Anh Dũng mức án 12-13 năm tù vì nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng.

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng.

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng.

Theo cáo trạng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng được phân công phụ trách, chỉ đạo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Cục Lãnh sự là đầu mối tiếp nhận hồ sơ từ các doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong thời gian dịch COVID-19; ký văn bản xin ý kiến 4 Bộ (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải) và ký đề xuất gửi lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch đưa công dân về nước.

Biết được vai trò của Tô Anh Dũng, từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tiếp cận, đặt vấn đề nhờ Tô Anh Dũng giải quyết cấp phép chuyến bay và được ông này đồng ý. Trong quá trình thực hiện, ông Tô Anh Dũng 37 lần nhận hối lộ của các doanh nghiệp, tổng 21,5 tỷ đồng.

Chiều tối 21/7, đứng trước bục khai báo nói lời sau cùng, bị cáo Tô Anh Dũng cho biết, bản thân vô cùng đau đớn và tủi hổ.

Cựu Thứ trưởng nói khi đại dịch xảy ra, ông được tín nhiệm để tham gia vào Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Trong suốt 2 năm, bị cáo nỗ lực, cố gắng cùng lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các đơn vị trong và ngoài nước triển khai nhiều công việc để ngăn chặn đại dịch. Nổi bật trong số đó là các hoạt động quốc tế như ngoại giao vaccine, công tác bảo hộ công dân…

Trong quãng thời gian đó, bị cáo không bao giờ lơ là. Ngày đêm lo lắng công việc với mong ước đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ cho nhân dân theo chủ trương của Đảng và Nhà nước“, ông Dũng nói.

Theo bị cáo Dũng, chính vào giai đoạn xuất hiện hình thức chuyến bay combo, bị cáo đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng.

Khi xảy ra vụ việc, bị cáo không có động cơ, mục đích nào để gây khó dễ cho các doanh nghiệp hoặc bàn soạn để tạo cơ chế thu lợi. Trong quá trình đó, bị cáo luôn bị động trong việc tiếp xúc với các doanh nghiệp. Và khi nhận thức được sai phạm của mình, bị cáo vô cùng ăn năn, hối lỗi và đã tự nguyện khai báo, đồng thời tích cực cùng gia đình khắc phục hậu quả do mình gây ra“, bị cáo Tô Anh Dũng nói.

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết thêm, bản thân được sinh trưởng và nuôi dưỡng trong một gia đình cách mạng, bố mẹ bị tù đày, mất sớm do những tháng năm hoạt động cách mạng.

Bản thân bị cáo lớn lên tự thân lập nghiệp và luôn ghi nhớ lời căn dặn của bố mẹ “làm sao sống tốt với mọi người cũng như làm những việc có ích cho xã hội”.

Trong suốt hơn 30 năm công tác tại Bộ Ngoại giao, bị cáo luôn cố gắng sống tốt với anh em, đồng nghiệp, đồng chí và cũng luôn nỗ lực, tận tuỵ phục vụ công tác của Bộ Ngoại giao, sự nghiệp phát triển đất nước mà bố mẹ tôi cả cuộc đời hy sinh, phấn đấu và tin tưởng“, ông Dũng nói.

Cựu Thứ trưởng khẳng định cũng trong quãng thời gian đó, ông không bao giờ có khái niệm về việc chạy chọt, mơ tưởng đồng tiền của Nhà nước cũng như gây khó khăn cho các đồng nghiệp hay trục lợi chính sách.

Bị cáo Tô Anh Dũng mong HĐXX xem xét động cơ, mục đích, bối cảnh, hoàn cảnh phạm tội trong lúc dịch bệnh để cho bị cáo hưởng khoan hồng.

Một lần nữa, bị cáo xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân. Hành vi của bị cáo đã ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước“, bị cáo nói thêm.

HĐXX đánh giá Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận hối lộ 253 lần, tổng số tiền 42,6 tỷ đồng.

Hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, cần tuyên phạt mức án tử hình là đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên xét thấy trong quá trình điều tra vụ án, truy tố và tại tòa, bị cáo thay đổi lời khai, thành khẩn khai báo, giai đoạn xét xử bị cáo đã khắc phục trên 42 tỷ đồng, gia đình có bố đẻ có công với cách mạng.

Trong quá trình công tác, bị cáo có nhiều đóng góp, được tặng thưởng nhiều giấy khen.

HĐXX xét thấy không cần thiết phải áp dụng mức án loại trừ bị cáo vĩnh viễn ra khỏi xã hội mà thay vào đó là mức án tù cũng là đủ tác dụng giáo dục riêng, đồng thời khuyến khích người phạm tội thành khẩn khai báo.
Cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế lĩnh án chung thân sau khi bị đề nghị tử hình - 1Bị cáo Phạm Trung Kiên (Ảnh: Hải Phương).

Từ những phân tích, nhận định nêu trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Trung Kiên mức án tù chung thân.

HĐXX nêu rõ quá trình xét xử vụ án chuyến bay giải cứu, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận tội danh bị truy tố, riêng Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng Chính trị hậu cần, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an) vẫn một mực kêu oan, phản bác lại mọi cáo buộc từ cơ quan công tố.

HĐXX bác các quan điểm bào chữa từ Hoàng Văn Hưng và luật sư, kết luận Hưng không bị oan, đủ căn cứ xác định bị cáo nhận 800.000 USD và hứa chạy án.

Bị cáo Hoàng Văn Hưng.

Bị cáo Hoàng Văn Hưng.

Cụ thể, HĐXX cho biết, theo tài liệu hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại tòa, xác định Hoàng Văn Hưng nguyên là trưởng phòng thuộc Cơ quan An ninh điều tra, cán bộ điều tra thụ lý vụ án chuyến bay giải cứu. Hưng nhiều lần gặp bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng tại nhà Nguyễn Anh Tuấn – cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội.

Tại các buổi gặp, Hưng hướng dẫn Hằng và thông qua Hằng hướng dẫn Lê Hồng Sơn khai báo. Do vậy, Hằng, Sơn chi tiền, nhờ ông Tuấn đưa cho Hưng “chạy án”.

Ông Tuấn khai đã chuyển 2,2 triệu USD nhận từ Hằng để Hưng lo cho Hằng, Sơn không bị xử lý hình sự. Hoàng Văn Hưng bác bỏ, nói không nhận tiền nhưng anh ta xác nhận nhiều lần gặp Hằng và có nhận chiếc cặp tại trụ sở cơ quan.

Dù Hưng khai không nhận tiền, HĐXX thấy từ tháng 1/2022 – 9/2022, Hưng được phân công điều tra vụ án và sau tháng 9/2022, bị điều chuyển công tác, anh ta biết quy định không được tiếp xúc ngoài trụ sở với người bị điều tra nhưng vẫn gặp Hằng tại nhà Tuấn, ngoài giờ làm việc, không báo cáo cấp trên.

Đầu tháng 10/2022, Hưng trao đổi với ông Tuấn nội dung Viện kiểm sát căng thẳng với Sơn, một số điều tra viên cũng nói phải xử lý Sơn nên cần chi tiền để ủng hộ không xử lý Sơn. Hằng ghi chép 13 lần chuyển tiền cho Tuấn để đưa cho Sơn.

Lúc này, Hưng còn nói mình bị chuyển công tác chỉ là hành chính, anh ta vẫn phụ trách vụ án. Hưng nói Viện kiểm sát chê ít, có nghĩa phải chi gấp đôi. Hằng nói khi đưa tiền, Tuấn gọi điện lại để cô ta yên tâm việc Hưng đã nhận tiền.

Căn cứ dữ liệu điện tử, lời khai nhân chứng, Hưng có nhận chiếc cặp đựng 450.000 USD do Tuấn gửi đến. Sau khi nhận, giữa Hưng, Tuấn và Hằng có gặp nhau và Hằng, Tuấn hỏi có kiểm soát tình hình không? Hưng nói “vẫn kiểm soát, việc bắt Sơn là bất khả kháng vì A01 gay gắt, có thể do em chưa kịp xử lý A01 nên A01 xử lý Sơn“.

Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng làm đúng quy định; Viện kiểm sát có hỏi cung Hoàng Văn Hưng sau khi bắt và yêu cầu anh ta tự bào chữa, cung cấp thông tin nhưng chính bị cáo từ chối, chủ tọa nêu.

Bị cáo Hưng còn khai không có mâu thuẫn gì với nhóm Hằng, Sơn còn ông Tuấn là người “có ân tình, giúp đỡ bị cáo”. Vì vậy, không có căn cứ thể hiện 3 người này vu khống anh ta.

Ngoài lời khai của ông Tuấn và bị cáo Hằng, phía điều tra còn thu thập lời khai của bị cáo Sơn và các nhân chứng; nội dung các lời khai đều thống nhất và có chứa thông tin bí mật điều tra; nếu Hưng không nói, nhóm này sẽ không biết.

Ngược lại, tòa án đánh giá lời khai của Hoàng Văn Hưng không thống nhất, không trung thực nên không có căn cứ chấp nhận. Hội đồng xét xử khẳng định anh ta lợi dụng chức vụ Trưởng phòng thuộc cơ quan điều tra để cung cấp một số thông tin cho ông Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Cựu điều tra viên sau đó yêu cầu phải chi tiền cho Viện kiểm sát, cục nghiệp vụ… để “chạy án”. Thông qua ông Tuấn, Hoàng Văn Hưng nhận tiền của bị cáo Hằng nên phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; việc Hưng kêu oan không có cơ sở chấp nhận.

HĐXX cũng khẳng định, Hoàng Văn Hưng đã đưa ra nhiều thông tin gian dối, chiếm đoạt số tiền này.