Một hòn đảo ở Nha Trang, Việt Nam đã được chọn làm địa điểm nuôi, thả muỗi. Khi dự án này bắt đầu, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều nổi lên.

Hòn đảo duy nhất ở Việt Nam được chọn để thả muỗi nhiễm khuẩn, lý do phía sau không ai ngờ đến

Nghe đến chuyện thả muỗi, nuôi muỗi, hẳn nhiều người sẽ nhăn mặt không hài lòng, nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết. Thực tế, ở Việt Nam đây là dự án không mới lạ, được dùng để khắc chế lại chính căn bệnh sốt xuất huyết.

Năm 2013, dự án có tên “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam” chính thức đi vào hoạt động. Loài muỗi vằn nhiễm khuẩn Wolbachia đã được các chuyên gia, cộng tác viên thả ở đảo Trí Nguyên, Nha Trang. Muỗi được thả bằng cách đưa lọ nước có chứa loăng quảng đến một số gia đình. Những lần thả muỗi sau đó lại là muỗi đã trưởng thành, nhiễm khuẩn Wolbachia.

Nguồn ảnh: Internet

Tại sao lại thả muỗi nhiễm khuẩn vào đảo Trí Nguyên? Câu trả lời là bởi loại vi khuẩn đó khi được gây nhiễm vào muỗi vằn sẽ khống chế sự phát triển của virus Dengue gây sốt xuất huyết và một số virus khác trong cơ thể muỗi. Nói một cách đơn giản hơn, chính loại muỗi được thả ra này mang vắc xin ngừa bệnh sốt xuất huyết.

Để có thể thả muỗi trên đảo Trí Nguyên, các chuyên gia đã phải thuyết phục từng người dân, hộ gia đình sinh sống ở đây. Sau khi có cam kết bằng văn bản mới được phép thực hiện.

Cán bộ Dự án thu mẫu bọ gậy tại hộ gia đình về làm thí nghiệm. Ảnh: Báo Gia đình & Xã hội.

Theo thông tin chính thức từ Dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam”, kết quả giám sát liên tục dịch tễ sốt xuất huyết Dengue trên đảo Trí Nguyên, sau thời điểm thả muỗi nhiễm khuẩn Wolbachia cho thấy, không có ca bệnh nào trong năm 2014. Đến năm 2015, chỉ phát hiện 1 ca bệnh sốt xuất huyết trên hòn đảo nổi tiếng này. Cũng vì sự hiệu quả đó mà năm 2016, TP Nha Trang đã quyết định mở rộng địa bàn thả loại muỗi nhiễm khuẩn trên ra 15 phường.

Nguồn ảnh: Internet

Đảo Trí Nguyên, Nha Trang cũng không phải nơi duy nhất trên thế giới nuôi thả muỗi để trị sốt xuất huyết. Trước đó, 4 quốc gia khác là Úc, Indonesia, Brazil, Columbia cũng đã tiến hành thả muỗi nhiễm khuẩn Wolbachia vào tự nhiên và đạt được kết quả khả quan.

Ngoài ra, ở Việt Nam, cụ thể là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương còn nuôi muỗi trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu chúng.