Chuyện tình của người đàn ông vừa giành giải vô địch cử tạ thế giới và vợ khiến mình quá đỗi xúc động, ngưỡng mộ. 

Gần đây, khi theo dõi chương trình Gõ Cửa Thăm Nhà, mình được biết đến câu chuyện của anh Lê Văn Công và vợ là chị Chu Thị Tám. 15 năm qua, dù bao thăng trầm nhưng đôi vợ chồng vẫn bền lòng bên nhau khiến nhiều người xuýt xoa.

Ngày 23/8 vừa qua, anh Công đã đoạt huy chương vàng Paralympic ở bộ môn cử tạ dành cho người khuyết tật. Được biết, anh từng lập kỷ lục thế giới ở bộ môn này tại Thế vận hội Rio de Janeiro 2016. Anh Công đang nắm giữ kỷ lục với trọng lượng tạ 183,5kg và được thiết lập từ năm 2017.

hình ảnh

(Ảnh: Tuổi Trẻ)

Ngoài những thành tích vẻ vang ấy, điều khiến mình càng thêm nể phục người đàn ông này là trách nhiệm, tình yêu thương dành cho vợ con. Anh và vợ đã kết hôn 15 năm, có 2 con đầy đủ “nếp tẻ”.

Lúc hai người gặp nhau, chị Tám chỉ 16 tuổi, từ Nghệ An vào làm công nhân may ở quận Tân Bình (TP.HCM). Thời điểm đó, anh Công mới bén duyên với cử tạ và đang học nghề điện tử. Qua một người bạn, hai người đã gặp nhau. Khi đó, anh Công hài hước nhắn nhủ với cô gái: “Cháu lớn nhanh lên, chú chờ”. 

Tuy vậy, anh từng có mặc cảm vì bản thân không lành lặn như nhiều chàng trai khác.

“Để vượt qua mặc cảm về cơ thể, đối diện với một người con gái lành lặn, rất sự rất khó khăn. Thời gian đầu gặp mặt, mình chỉ qua phòng gặp em lúc em tan ca, nói chuyện một lúc rồi đi về, còn không dám mời đi uống nước hay đi ăn, đi chơi đâu khác”, anh kể lại.

hình ảnh

(Ảnh: Dân Việt)

Về phía chị Tám, lúc đó chị còn quá nhỏ lại chưa từng yêu ai nên có chút dè chừng với đàn ông. Tuy vậy, chị cảm mến anh Công vì đối phương hiền, tôn trọng chị và luôn giữ khoảng cách.

Gia đình chị từng phản đối khi biết con gái có tình cảm với người đàn ông khuyết tật. May mắn là mẹ của chị cảm nhận được chàng trai này là người tử tế, có thể mang lại hạnh phúc cho con gái của mình.

“Cuối năm 2007, mình gặp được 4 người anh trai của vợ. Ai ngờ sau bữa đó, mình không thể gọi điện được cho vợ nữa. Mình tìm đến chỗ làm hỏi thăm thì mọi người trả lời Tám đã về quê luôn trong đêm rồi. Mình hiểu, chắc các anh đã vào để đem em gái về. Mình mất liên lạc khoảng 6 tháng, hoàn toàn bặt tin nhau”, anh Công kể.

hình ảnh

(Ảnh: VietNamNet)

Tuy các anh của chị Tám tìm mọi cách để ngăn cản tình cảm nhưng anh Công không nản lòng. Anh hỏi nhiều nơi để có địa chỉ gửi thư và bày tỏ nỗi nhớ dành cho người con gái mà anh yêu. Thậm chí, anh còn đi xe 3 bánh từ Hà Tĩnh tìm đến tận nhà của chị ở Nghệ An và trình bày với bố mẹ của chị Tám: “Cho con xin phép làm đám hỏi, cưới em Tám làm vợ”.

Sau quá trình thuyết phục và chứng minh bản thân có thể mang lại hạnh phúc cho chị Tám, anh Công đã nhận được sự đồng ý từ bố của người yêu. Khi được tác hợp, anh nhanh chóng gọi điện cho bố mẹ bảo chuẩn bị lễ vật đón dâu, “cưới ngay kẻo lỡ”.

Năm 18 tuổi, chị Tám kết hôn với người chồng khuyết tật. Khi con trai đầu lòng của hai người chào đời, anh Công đã bật khóc vì con lành lặn, khỏe mạnh.

hình ảnh

(Ảnh: VTV)

Sau này, anh bắt đầu với bộ môn cử tạ dành cho người khuyết tật và đi thi đấu. Năm 2008, trong lúc thi đấu ở Bắc Kinh, anh chẳng may bị thương nghiêm trọng và phải nghỉ hẳn tập luyện.

Thời điểm đó, chị Tám vừa đi làm vừa tranh thủ lo cho chồng và con nhỏ. Xót chồng, chị từng khuyên anh có thể bỏ cử tạ nếu quá nguy hiểm. Tuy vậy, anh vẫn lén đi tập và dần dần hồi phục.

“Những lần đứng trên bục vinh quang, mình thấy rất tự hào về bản thân mình. Qua những tấm huy chương đó, ngoài các khoản tiền thưởng trang trải cho gia đình, mình còn tạo được danh tiếng, cơ hội để hòa nhập với xã hội. Không phải là gánh nặng cho gia đình và xã hội, đó là điều hạnh phúc nhất với mình”, anh hạnh phúc chia sẻ.

hình ảnh

Hiện tại, anh Công vừa tập luyện, thi đấu vừa mở cửa tiệm nhỏ sản xuất thiết bị âm thanh. Tuy khuyết tật nhưng anh không hề thua kém người đàn ông lành lặn nào khi có thể lo cho vợ con và đặc biệt là gặt hái thành tích trong sự nghiệp thi đấu.

Năm 2019, hai vợ chồng tích cóp mua căn nhà ở Hóc Môn. Chia sẻ về dự định tương lai, anh Công mong muốn có thể mở phòng gym để vừa tập luyện vừa có chỗ để nhiều người có hoàn cảnh như mình đến sinh hoạt, lan tỏa đam mê dành cho thể thao.