Ý tưởng in tiền miễn phí vẫn xuất hiện đâu đó trên các diễn đàn. Đặc biệt trong thời gian gần đây một số nước đang đề xuất cách này để vực dậy nền kinh tế.

Câu trả lời ngắn là: Lạm phát. Tăng lượng tiền mặt sẽ làm tăng lạm phát, nghĩa là các mặt hàng tăng giá nhanh khiến lượng tiền mặt tăng cũng chỉ mua được số lượng hàng hoá như trước khi tăng lượng tiền thôi. Tăng lượng tiền như vậy không làm người dân thoát nghèo.

Giá trị của tiền mặt

Câu trả lời dài hơn là do giá trị nội tại của tiền

Tiền không có giá trị nội tại, chúng chỉ là tờ giấy in các con số khác nhau. Chi phí in tờ 50 ngàn, 100 ngàn hay 500 ngàn là như nhau. Do không có giá trị nội tại (là chi phí để in tiền gần như bằng 0), tiền, nhờ có nhà nước bảo hộ, chỉ có giá trị trao đổi.Nghĩa là tờ 100 ngàn không phải có giá trị là 100 mà chúng có thể trao đổi với các sản phẩm dịch vụ có giá là 100.

Sao chụp tiền phải xin Ngân hàng Nhà nước
Tiền làm giao dịch thuận tiện nhưng không có giá trị nội tại
Chúng ta có thể xem một giao dịch đơn giản là ai đó muốn đổi 3 con gà lấy 1 cái xe đạp. Có 2 cách ở đây

Người ta mang 3 con gà đến cửa hàng xe đạp và đổi
Bán 3 con gà lấy tiền và đến cửa hàng mua xe đạp

Cách thứ 2 rõ ràng đơn giản và thuận tiện hơn. Tuy nhiên giá trị ở đây nằm ở con gà và xe đạp, tiền mặt không có giá trị, chúng chỉ là phương tiện trao đổi, giúp các giao dịch đơn giản và thuận tiện hơn.

Cách hệ thống tiền tệ hoạt động

Giả sử có một hòn đảo cách ly với thế giới bên ngoài. Có 10 người trên đảo, mỗi người chỉ có 100 ngàn. Mỗi người đều sản xuất, người thì trồng lúa, người đánh bắt cá, người xây nhà … Họ trao đổi và tự định giá với nhau giá trị sản phẩm. Bởi vì mọi hàng hoá dịch vụ đều có thể quy ra tiền, chúng ta có

Tổng hàng hoá dịch vụ = Tổng số tiền

Bây giờ, tự dưng có ai đó đến và cho mỗi người 100 ngàn nữa. Như vậy mỗi người tăng gấp đôi số tiền đang có. Tuy nhiên tổng số hàng hoá và dịch vụ trên đảo không tăng. Nên giá của hàng hoá dịch vụ tăng, về lý thuyết là gấp đôi. Ta gọi đó là hiện tượng Lạm phát.

In tiền không giới hạn, bài học từ thực tế

Hầu hết quốc gia đều hiểu nguyên lý kinh tế đơn giản này. Tuy nhiên, một số nước đã từ chối tin vào kinh tế học và để lại hậu quả vô cùng khủng khiếp

Zimbabwe:

Để khắc phục đói nghèo và nợ công, ông Mugabe yêu cầu ngân hàng trung ương nước này in thêm tiền để phục vụ nhập khẩu nhu yếu phẩm, dẫn tới lạm phát trầm trọng. Theo Financial Times, lạm phát tại Zimbabwe đạt đỉnh năm 2008, khi giá cả tăng gấp đôi trong 24 giờ, và đồng tiền lạm phát tới 7,9 tỷ %. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kỷ lục, dịch vụ công đình trệ, nền kinh tế Zimbabwe suy giảm 18% trong năm 2008. (Nguồn Wikipedia)

Việt Nam:

Thời kỳ 1954 – 1975, ở miền Nam Việt Nam từng diễn ra một số đợt lạm phát rất cao do cung tiền tăng quá nhanh (Mỹ đổ tiền viện trợ quá nhiều cho chính phủ Sài Gòn). Từ cuối năm 1973 đến cuối năm 1974, khủng hoảng kinh tế do Mỹ cắt giảm viện trợ đã khiến lạm phát trong riêng năm này ở miền Nam Việt Nam đã đạt tới trên 200%.

Cuối năm 1985, sai lầm về tổng điều chỉnh giá – lương – tiền đã khiến Việt Nam rơi vào tình trạng lạm phát phi mã. Siêu lạm phát xuất hiện liên tục từ năm 1985 đến 1988, với tỉ lệ lạm phát từ 300% đến 800% mỗi năm. Năm 1986, tỷ lệ lạm phát lên đến 774,7% khiến kinh tế rối loạn. Siêu lạm phát vẫn tiếp diễn trong 2 năm sau đó (năm 1987: 323,1%; năm 1988: 393%). Đến năm 1989, lạm phát mới xuống dưới 100% và Việt Nam mới thoát khỏi lạm phát. (Nguồn Wikipedia)

Tóm lại

Tiền chỉ có giá trị trong lưu thông. Không có giá trị nếu tách rời giao thương sản phẩm, dịch vụ
Nhà nước chỉ nên in thêm tiền khi tổng khối lượng sản phẩm hàng hoá dịch vụ trong cả nước tăng lên. Nếu không, giá cả sẽ tăng tương ứng.
Việc in tiền miễn phí sẽ không giúp ai thoát được nghèo. Tăng năng lực sản xuất hàng hoá dịch vụ tạo ra việc làm mới làm người dân thoát nghèo. Không có bữa trưa miễn phí nào cả.