Sau 34 năm bộ phim “Biệt động Sài Gòn” ra mắt khán giả, cuộc sống và công việc của dàn diễn viên đã có nhiều thay đổi, thậm chí có phần trái ngược nhau. Ở tuổi 64, nghệ sĩ Thương Tín vẫn phải vất vả nuôi con nhỏ.

Mất mát lớn nhất của dàn diễn viên Biệt động Sài Gòn sau 34 năm là sự ra đi của NSƯT Quang Thái – vai ông chủ hãng sơn Đông Á kiêm ông trùm tình báo Tư Chung. Tháng 6/2019, NSƯT Quang Thái đã qua đời sau nhiều năm chữa trị bệnh tai biến.

Trong phim, NSƯT Quang Thái đã thể hiện tốt vai diễn, ghi dấu ấn với người xem bởi ông Trùm tình báo trực tiếp chỉ huy đồng đội, phải đối mặt với những tình huống vô cùng nguy hiểm cùng cuộc chiến đấu dũng cảm đối đầu với kẻ địch trong nhiều hoàn cảnh.

Quang Thái trong vai trùm tình báo Tư Chung.

Diễn viên, NSƯT Quang Thái.

Biệt động Sài Gòn do đạo diễn Long Vân thực hiện chính thức ra mắt khán giả năm 1986 với sự tham gia của các diễn viên Quang Thái, Thương Tín, Thanh Loan, Hà Xuyên, Thúy An, Hai Nhất, Aly Dũng…

Phim được chia thành 4 tập: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông, Trả lại tên cho em…. với nội dung tái hiện lại cuộc đấu tranh gian khổ, anh dũng nhưng đầy mưu trí của những chiến sỹ biệt động thành tại đô thị Sài Gòn.

Ngay sau khi ra mắt năm 1986, Biệt động Sài Gòn không chỉ tạo cơn sốt trong các rạp chiếu phim khắp cả nước, trở thành một trong những phim ăn khách nhất của điện ảnh Việt, được các nhà phê bình đánh giá là “Một thành tựu lớn của điện ảnh Việt Nam”.

Nghệ sĩ Thương Tín vai Sáu Tâm

Nghệ sĩ Thương Tín.

Nghệ sỹ Thương Tín vào vai Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn. Dù là một diễn viên có tiếng với hơn 200 vai diễn trong các phim, nhưng vai Sáu Tâm vẫn là vai diễn đáng nhớ nhất của Thương Tín.

Vai diễn của Thương Tín được lấy từ nguyên mẫu của chiến sỹ biệt động Sáu Tâm – một nhân vật có thật trong đội Biệt động Sài Gòn năm xưa.

Nghệ sĩ Thương Tín sinh năm 1956, là diễn viên nổi tiếng của Việt Nam vào thập niên 1980 – 90. Sau khi thành công với sân khấu cải lương, ông bắt đầu tham gia vào lĩnh vực điện ảnh và được mọi người yêu mến qua nhiều vai diễn.

Thời điểm đó, khán giả từng gọi ông là tài tử màn bạc và là “át chủ bài” của làng phim ảnh, kịch nghệ miền Nam. Nhắc đến Thương Tín khán giả sẽ nhớ ngay vai thiếu tá Lưu Trọng Kỳ Vọng trong Ván bài lật ngửa, tướng cướp Bạch Hải Đường lỳ lợm trong Săn bắt cướp, Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn, Tám Thương trong Chiến trường chia nửa vầng trăng…

Ở thời kỳ hoàng kim, Thương Tín liên tục chạy sô vì lịch kín hết cả ngày, sáng đóng một phim, trưa đóng một phim, chiều lại đóng phim khác.

Tuy nhiên, hiện tại nghệ sĩ Thương Tín lại có cuộc sống đầy khó khăn khi ở tuổi 64 vẫn phải ở nhà thuê, nuôi con nhỏ và phải nhận đóng những vai phụ, vai quần chúng trong những bộ phim ít tên tuổi.

Dù phải chật vật với cơm áo gạo tiền, nhưng Thương Tín không tỏ ra bi quan: “Thời thế, thế thời, đâu phải cái gì mình muốn cũng được. Giờ đã gần cái tuổi lục tuần, hơn ai hết tôi hiểu sức của mình tới đâu, tầm của mình cỡ nào, thôi cứ cố gắng hết mình trong từng công việc được giao.

Giờ mỗi khi xem lại phim mình đóng, tôi không chỉ coi cho mình mà còn coi để dành cho đứa con gái, sau này nó lớn lên cũng hãnh diện khi thấy ba mình cũng từng là một… diễn viên, thế thôi!”, nam nghệ sĩ chia sẻ.

Nghệ sĩ Thương Tín khắc khổ dù đã ở tuổi xế chiều.

Diễn viên Hai Nhất vai kẻ phản bội Ba Cẩn

Trái ngược với Thương Tín, diễn viên Hai Nhất – người đóng vai kẻ phản bội Ba Cẩn trong Biệt động Sài Gòn lại có cuộc sống khá vương giả. Tuy đi đóng phim thu nhập không bao nhiêu nhưng Hai Nhất may mắn có người vợ khéo thu vén nên ông không phải lo về kinh tế.

Những năm 2000, Hai Nhất đã có biệt thự tại khu Phú Mỹ Hưng và cửa tiệm buôn bán lớn. Sau Biệt động Sài Gòn, sau này Hai Nhất còn vào vai ông trùm Sáu Quýt khá thành công trong bộ phim truyền hình nhiều tập Những đứa con biệt động Sài Gòn.

Phim đã đoạt giải Cánh diều Bạc tại liên hoan phim Cánh diều Vàng 2011. Sau này, Hai Nhất không tham gia đóng phim mà trở về vui cảnh điền viên. Nhưng coi trai ông là diễn viên Thành Đạt tiếp tục sự nghiệp của cha.

Diễn viên Aly Dũng vai người lính

Diễn viên Aly Dũng đóng vai người lính trong Biệt động Sài Gòn cũng có cuộc sống khá vất vả khi tuổi cao vẫn phải một mình trong căn nhà chỉ rộng có 7m2 và vẫn đi đóng phim với cát-xê chỉ vài trăm ngàn/phim.

Thương cảm cho cuộc sống của người nghệ sỹ đã sống cả cuộc đời cho các vai diễn, nhiều người xem phim cùng các đồng nghiệp đã quyên góp tiền, sửa chữa lại căn nhà cho Aly Dũng.

Từ sự giúp đỡ của mọi người, Aly Dũng đã có được cuộc sống tạm ổn để theo nghề. Hiện nay, vừa đóng phim Aly Dũng vừa mở thêm lớp đào tạo diễn xuất cho các bạn trẻ đam mê nghiệp diễn cũng như viết kịch bản phim.

Dàn diễn viên Biệt Động Sài Gòn gặp lại nhau trong chương trình Ký ức vui vẻ

So với những nam diễn viên trong phim Biệt động Sài Gòn, các nữ diễn viên dường như có cuộc sống bình ổn hơn. Các người đẹp trong phim ngày đó giờ đã trở thành mẹ, thành bà và vui vầy bên con cháu.

Diễn viên Thanh Loan – vai ni cô Huyền Trang giờ đang sống tại Hà Nội, diễn viên Hà Xuyên – vai Ngọc Mai giờ nghỉ hưu tại Sài Gòn, diễn viên Thuý An – vai người yêu Sáu Tâm sau một thời gian vất vả cũng tìm được tình yêu của mình và hiện bà đang có cuộc sống hạnh phúc tại Đức.

Thanh Loan trong vai ni cô Huyền Trang

Còn diễn viên nhí Vân Dung vào vai cô bé bán báo dễ thương trong phim tiếp tục đóng thêm một số bộ phim khác, sau đó theo học trường cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM.

Tuy nhiên sau đó chị lại chuyển sang làm tiếp viên hàng không. Sau khi lập gia đình, Vân Dung chuyển ra Hà Nội sinh sống. Hiện chị đang hạnh phúc với 2 cậu con và một cửa tiệm kinh doanh đồ thể thao.