Nhân vật Khải “sở khanh” (Anh Đức) – chàng “sếp rể” của ông trùm Phan Quân (NSND Hoàng Dũng) trong phim “Người phán xử” dù chỉ là một vai diễn phụ nhưng gây ấn tượng với khán giả truyền hình. Ít ai biết ngoài đời, Khải “sở khanh” là giảng viên âm nhạc và có tính cách trái ngược hoàn toàn so với nhân vật trong phim.

Thầy giáo dạy nhạc… diễn hài

Gặp diễn viên Anh Đức ngoài đời, dễ nhận ra anh bởi nụ cười và duyên hài ngay cả trong cử chỉ và lời nói. Chỉ khác, Khải “sở” – tay chơi có khiếu ăn nói lưu loát, sát gái trong “Người phán xử” lại tỏ ra là người điềm tĩnh và ít nói. Anh Đức bảo, vào vai Khải “sở khanh” thực sự hợp với sở trường diễn hài của mình, còn ngoài đời mình khác, tính mình không “sở” như thế?

Câu nói của anh khiến người viết bật cười. Khi được hỏi trong cuộc sống gia đình, ai sẽ là người tạo tiếng cười thường xuyên? Anh Đức thẳng thắn: “Chắc chắn là mình! Vốn là người hay pha trò trong gia đình nên lúc nào vợ cũng cười. Đến nỗi anh từng hoang mang tự vấn bản thân để tìm câu trả lời, liệu có phải vợ anh yêu chồng nhiều quá nên anh nói gì cũng mỉm cười? Chính cuộc sống ngập tràn tình yêu và tiếng cười là lý do anh chị có được cuộc sống hôn nhân hạnh phúc với hai đứa con nhỏ đáng yêu.

Anh Đức kể, cả hai có mối tình 7 năm yêu và cưới. Hai vợ chồng vừa là bạn học chung trường Nhạc viện Hà Nội, vừa là đồng nghiệp nên có sự thấu hiểu lẫn nhau. Nếu Anh Đức là giảng viên âm nhạc khoa Sư phạm âm nhạc trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương thì vợ anh là giáo viên dạy nhạc trường tiểu học Tràng An. Vốn biết sở thích của anh là diễn xuất nên chị luôn ủng hộ anh gắn bó với nghề diễn. Có hậu phương vững chắc nên Anh Đức có cơ hội được “lăn xả” với nghề diễn nhiều hơn. Sau vai diễn Khải “sở khanh”, vai Long “đẹp trai” “Sống chung với mẹ chồng”, hiện tại, anh tham gia loạt phim sitcom “Sắc màu phái đẹp” và nhiều tiểu phẩm hài khác.

Nổi tiếng từ một vai diễn phụ, Anh Đức chia sẻ cảm xúc khi nhân vật Khải “sở khanh” được khán giả đón nhận và yêu mến nhiều như thế. “Trước đây, mình đã có 12 năm nghề diễn, lần đầu tiên cảm nhận được sự nổi tiếng bất chợt, cảm thấy “sướng” vô cùng”. Thậm chí, các sinh viên gọi điện, nhắn tin chúc mừng vai diễn thú vị của thầy và không quên nhắn nhủ sao ngoài đời thầy ít nói và điềm tĩnh mà trong phim lại khác biệt hoàn toàn, không thể tin nổi!”- nam diễn viên nói.
dien vien anh duc tu thay giao day nhac den khai so khanhChân dung Khải “sở khanh” trong phim Người phán xử do diễn viên An Đức thủ vai . ẢNH TƯ LIỆU


“Không có vai diễn nhỏ, chỉ có diễn viên nhỏ”

Kể về cơ duyên đưa Anh Đức đến nghề diễn là lần được đạo diễn Đỗ Thanh Hải phát hiện tại cuộc thi “Gala Sinh viên” 2005 do VFC tổ chức. Anh đại diện sinh viên Nhạc viện Hà Nội tham dự tiểu phẩm “Bầu sô” và đạt giải nhất, cá nhân Anh Đức thủ vai “bầu sô” với tính cách “pê đê” nhận được giải đặc biệt của cuộc thi. Sau đó được đạo diễn Đỗ Thanh Hải mời làm cộng tác cho chương trình hài “Gặp nhau cuối tuần” với sở trường đóng các vai diễn “pê đê”. Từ đó, ngoài tên thật, Anh Đức còn có biệt danh là Đức “ái”.

Mặc dù nghề diễn mang đến cho anh vỏn vẹn là những dạng vai hài, vai phụ nhưng đó là cả một “gia tài” đáng trân trọng của một diễn viên tay ngang. 12 năm gắn bó với nghề diễn, chỉ xuất hiện các dạng vai hài, vai phụ, ít được khán giả biết đến nhưng chưa khi nào Anh Đức có ý định bỏ nghề. Anh Đức chia sẻ, đối với người diễn viên ai cũng mong muốn đều là được làm những vai chính, nhưng quan niệm của Anh Đức lại khác: “Không có vai diễn nhỏ, chỉ có diễn viên nhỏ”.

Có một kỷ niệm khiến anh nhớ mãi đó là khi tham gia bộ phim “Người phán xử”, Anh Đức suýt “bỏ vai” vì sự cố nhầm kịch bản. Anh Đức cho biết: Hôm đó nhà sản xuất gửi 9 tập kịch bản và có nói tôi sẽ diễn vai Khải “sở khanh”. Tuy nhiên, anh đọc hết kịch bản chỉ thấy nhân vật xuất hiện vỏn vẹn với vài câu thoại ngắn ngủi. Ngay lúc đó, cảm giác chạnh lòng nhen nhóm, anh đã gọi điện cho đạo diễn Khải Anh hỏi lý do chọn anh vào nhân vật, khi nhân vật xuất hiện rất ít như thế thì mời người khác có được không. Lúc đó, Khải Anh nói rằng đã nhắm vai diễn này cho riêng anh và nghĩ rằng chỉ có anh mới làm tốt vai diễn này. Được sự tin tưởng của đồng nghiệp, Anh Đức không từ chối nữa. Ngày hôm sau, nhà sản xuất đã gọi điện xin lỗi về sự cố “trớ trêu” và gửi lại kịch bản, anh hoàn toàn bị chinh phục bởi kịch bản phim cuốn hút và nhân vật Khải “sở khanh” có màu sắc riêng không trộn lẫn.

Theo Anh Đức, tham gia bộ phim “Người phán xử” là một cơ hội trong cuộc đời làm nghệ thuật của anh. Điều anh cảm nhận bên cạnh kịch bản phim hay, lời thoại lôi cuốn thì ê-kíp làm phim chuyên nghiệp từ đạo diễn đến hóa trang, đặc biệt là dàn diễn viên được “đo ni đóng giày” trong từng vai diễn chính là yếu tố góp phần tạo nên thành công cho bộ phim. Từng làm việc chung với đạo diễn Khải Anh với các tiểu phẩm hài Tết, phim “Ba đám cưới, một đời chồng”,… nên cả hai khá hiểu về gu của nhau. Tiết lộ thành công cho vai diễn, Anh Đức cho hay: “Hai đạo diễn Khải Anh và Mai Hiền đều biết cách “gẩy” thêm nhân vật của anh cho nó đạt hiệu quả nhất. Chẳng hạn như thêm thắt lời thoại, hình ảnh, cử chỉ, tình huống trong phim. Bên cạnh đó, anh cũng rất hiểu ý người ta, khi đạo diễn nói ý tưởng là anh hiểu ngay và làm tốt hơn những phân đoạn đó”.

Thoát khỏi hình ảnh một diễn viên hài tiểu phẩm sang truyền hình, Anh Đức nhận được nhiều góp ý của đạo diễn Khải Anh chính là việc “kiềm chế” cách diễn hài để lên phim sao cho chân thực nhất. “Ngay từ đầu, Khải Anh đã góp ý với tôi là gương mặt của tôi vốn đã có sẵn duyên và hài nên không cần phải đóng quá lên, càng nhẹ nhàng thì chất duyên càng hiệu quả hơn.Vì vậy, cách diễn của tôi được mọi người đánh giá là khá tự nhiên, diễn như không diễn”- anh chia sẻ.

Nhắc đến cảnh diễn ấn tượng trong phim, Anh Đức nhớ đến phân cảnh Phan Hương – tiểu thư gia tộc Phan Thị (diễn viên Thanh Hương đóng) phi dao, sau đó nhấc bổng và quăng anh xuống đất. Anh nhớ lại: “Cảnh đó diễn thật đến nỗi sau khi đóng xong, cơ thể đau ê ẩm. Sau đó, tôi mới biết Phan Hương là VĐV võ thuật. Đóng những cảnh hành động, tôi cũng mong muốn đóng những cảnh thật nhất có thể để tạo hiệu quả. Trước khi quay, Hương có nhắn là chẳng may anh bị đau thì bỏ qua cho em. Tôi nói là em cứ làm thoải mái, làm hết sức. Thà em cứ đánh một lần đau hẳn, xong, hiệu quả, còn hơn là em cứ đánh nhẹ rồi quay đi quay lại nhiều lần, anh chịu đau đớn nhiều hơn. Đó là những tình huống rất chân thực mà cả hai nhân vật diễn một đúp được luôn”.

Xác định phim ảnh là đam mê chứ không phải là cuộc dạo chơi đơn thuần, Anh Đức mong muốn sẽ thử sức và mở rộng biên độ diễn xuất ở nhiều dạng vai khác nhau. Hiện tại, song hành công việc là người giảng viên âm nhạc trên giảng đường thì ở một góc khác là một Anh Đức với khao khát được cống hiến những vai diễn ấn tượng đến với khán giả.