Nhạc sĩ Thế Hiển – tác giả bài ‘Nhánh lan rừng’ ở tuổi 69 được phong NSND, sống thảnh thơi bằng tiền bản quyền, không phiền con cháu.

Nhạc sĩ, NSND Thế Hiển tên đầy đủ là Lại Thế Hiển, sinh năm 1955 tại Sài Gòn, quê gốc Nam Định. Ông là tác giả của hàng chục bài hit thuộc nhiều thể loại như Nhánh lan rừng, Hát về anh, Tóc em đuôi gà, Cho dù có đi nơi đâu, Đợi chờ trong cơn mưa, Dấu chấm hỏi, Nhong nhong nhong, Hoàng hôn màu tím, Vượt lên chính mình


Không bao giờ viết những thứ vô bổ

– Nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân ở tuổi thất thập cổ lai hy, ông có thấy muộn?

Với người nghệ sĩ cả đời phấn đấu và cống hiến cho sự nghiệp văn hóa như chúng tôi, danh hiệu cao quý này là phần thưởng rất vinh dự. Tôi hạnh phúc, cả gia đình cũng rất vui mừng.

Nói thật, tôi không có quan niệm sớm hay muộn gì đâu. Người nghệ sĩ cứ cống hiến đi rồi trái ngọt sẽ đến. Cùng đợt tôi có chú Hùng Minh đến 94 tuổi mới nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, tính ra mình vẫn còn sớm. (cười)

Tôi và gia đình đang chuẩn bị làm một buổi gặp mặt để cùng bạn bè, người thân ăn mừng danh hiệu này.

Tôi muốn nói rõ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cho vai trò ca sĩ – người biểu diễn chứ không phải nhạc sĩ.

Kể từ khi tốt nghiệp và trở thành diễn viên đơn ca của Đoàn nghệ thuật Bông Sen năm 1980, tôi đã đem tiếng hát phục vụ đồng bào trong và ngoài nước như khu vực biên giới phía Bắc, Siem Reap (Campuchia), 6 lần đi quần đảo Trường Sa…vip temp file image repair 1712329162099.jpg

Ca sĩ, nhạc sĩ Thế Hiển được phong tặng Nghệ sĩ nhân dân nhờ dành cả đời đi hát phục vụ nhân dân, người lính.
– Đi và hát nhiều, chuyến nào để lại trong ông những kỷ niệm không thể quên?

Với tôi, mỗi chuyến đi phục vụ đều đáng quý và đáng nhớ trong cuộc đời. Lần nào đi biểu diễn, tôi cũng đặt mục tiêu viết ít nhất 1 ca khúc. Gần nhất, tôi viết 12 ca khúc về quân chủng hải quân sau 6 chuyến đi diễn. Đó là lý do các nhà báo gọi tôi là ‘Người viết nhật ký bằng âm nhạc’ – phong cách mình đã định hình từ năm 20 tuổi.

– Người nghệ sĩ thường thành công 1 sự nghiệp thôi đã rất oách, ông lại có đến 2 nên niềm tự hào cũng nhân đôi?

Tôi có đến 2 niềm hạnh phúc nhưng đồng thời trách nhiệm cũng phải gấp đôi. Tôi vừa phải biểu diễn sao cho tốt, vừa phải sáng tác thế nào cho hay. Tôi cũng không nghĩ mình giỏi hơn ai nhưng có sự thuận lợi nhất định khi 2 khả năng biểu diễn và sáng tác luôn luôn hỗ trợ, song hành nhau.

– Đã bao giờ ông nghĩ vì sự nghiệp sáng tác quá thành công mà đôi lúc khán giả quên mất ông là ca sĩ?

Tôi thấy mình quá hạnh phúc khi được sống với niềm đam mê, làm công việc mình yêu thích mà vai trò nào cũng được ghi nhận. Như vậy đã đủ với tôi rồi.

Nhánh lan rừng – Trang Thanh Lan

– Làm thế nào ông sáng tác đa dạng từ nhạc đỏ, nhạc xanh đến nhạc vàng – theo ngôn ngữ hiện đại là ‘thể loại nào cũng có bài hit’?

Trước khi đặt bút, tôi luôn tự đặt ra 3 điều: Sáng tác cho ai, để làm gì và đem đến hiệu quả gì? Sáng tác phải có tính định hướng mới đạt được kết quả.

Xa hơn, tôi quan niệm người Việt Nam phải hát và sáng tác nhạc Việt Nam. Vậy thì tôi phải viết sao cho từ ông bà, cha mẹ đến con cháu đều nghe được.

Tôi không bao giờ viết những thứ vô bổ. Âm nhạc của tôi có tính chân – thiện – mỹ, truyền tải cái đẹp và phục vụ con người một cách thiết thực. Chúng đi vào đời sống vì mang đến cảm xúc thật, khiến người nghe thấy mình trong đó.

Ca sĩ hát sai, tôi xuề xòa cho qua

– Trong gia tài bài hit, có câu chuyện nào đằng sau ông muốn kể với khán giả?

Đó là Hát về anh – bài đầu tay tôi viết về lực lượng vũ trang sau 1 năm tập tành sáng tác. Bài hát bất ngờ lan tỏa cả nước, được UBND TP.HCM khen thưởng.

Thời bao cấp, đoàn chúng tôi đi diễn phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong. Càng tiếp xúc, tôi càng bị thôi thúc viết về những thế hệ đã hy sinh để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc – rất cao cả và thiêng liêng.img 1712304357787 1712329010883 image repair 1712329194795.jpgNhạc sĩ Thế Hiển thời trẻ.
Những câu chuyện thật được tôi thi vị hóa, khái quát hóa. Như lúc sang Campuchia, tôi đâu thể viết các anh thương binh nằm la liệt, mà là họ lấy nhánh lan rừng ra khoe, đố nhau khi nào nở hoa.

Hay bài Tóc em đuôi gà, chẳng lẽ tôi lại viết thật cô bé nữ sinh trường Marie Curie chạy ngược chiều tông trúng mình? (cười) Nhìn cô bé mắt rơm rớm, tôi lại nhớ ngày xưa tan học cũng hay đi chọc các nữ sinh, thanh niên mới lớn ấy mà.

Bài Cho dù có đi nơi đâu lại gắn với một sự kiện của gia đình tôi. Năm đó, mẹ và các em tôi định sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Một buổi tối, tôi và anh trai – nhạc sĩ Thế Vượng cùng nhau viết bài này.

Hôm sau, giỗ bố tôi, khi cả nhà họp mặt lần cuối, anh em chúng tôi đã hát bài này. Nghe xong, bà rút hồ sơ, không đi nữa. Nhờ ca khúc đó, gia đình tôi đã không tan đàn xẻ nghé, chúng tôi được phụng dưỡng mẹ đến cuối đời ở Việt Nam.

Một bài mọi người hay nói không nghĩ do tôi viết là Hoàng hôn màu tím. Câu chuyện về mối tình dang dở của thầy tôi đã kể trên truyền hình rồi. Những sáng tác ngoài sở trường thể hiện trình độ của nhạc sĩ. Để viết sao cho ra đúng cái hồn của Nam Bộ, Chăm, Tây Bắc, Bắc Bộ… tôi đã học và nghiên cứu rất nhiều.