Trước khi đăng quang Miss Earth Vietnam 2023, hoa hậu Lan Anh có 20 năm học tập và làm việc sôi nổi ở Mỹ, từng làm thêm ở tiệm bánh mì, quán trà sữa và khởi nghiệp với công ty riêng khi 24 tuổi.

Đỗ Thị Lan Anh sinh năm 1997 tại TP HCM, có bố người gốc Bắc và mẹ người miền Nam. Một tuổi, cô theo gia đình sang Ba Lan sinh sống rồi chuyển tới Mỹ khi lên sáu. Cô tốt nghiệp ngành kinh doanh của Đại học California State – Fullerton. Cô nói được bốn thứ tiếng: Việt, Anh, Hàn Quốc, Tây Ban Nha; có sở trường múa đương đại và diễn kịch. Chuẩn bị đại diện Việt Nam thi Miss Earth quốc tế, Lan Anh trò chuyện với Ngôi Sao về những trải nghiệm trước ngày về nước.

Yêu áo dài Việt Nam, hoa hậu Lan Anh tận dụng các ngày lễ, dịp sum họp gia đình ở Mỹ để mặc tà áo truyền thống. Ảnh: TNA Entertainment

Yêu áo dài Việt Nam, hoa hậu Lan Anh tận dụng các ngày lễ, dịp sum họp gia đình ở Mỹ để mặc tà áo truyền thống. Ảnh: TNA Entertainment

– Tại sao chị lựa chọn trở về Việt Nam và thi hoa hậu?

– Sinh sống ở Mỹ 20 năm, tôi may mắn có nhiều trải nghiệm thú vị. Khi vốn sống đủ nhiều, tôi muốn tiếp tục khai phá bản thân mình ở quê nhà. Về nước vào tháng 7 năm ngoái, tôi định hướng làm kinh doanh. Sau đó, tôi mở rộng hướng đi, tìm kiếm nhiều cách để phát triển bản thân và học hỏi về văn hóa, xã hội Việt Nam. Khi biết đến cuộc thi Miss Earth Vietnam, tôi nghĩ đây là cơ hội để thực hiện những điều mình ấp ủ nên quyết định đăng ký.

– Gia đình nói gì khi chị về nước và khi chị thi hoa hậu?

– Lúc tôi về đây, bố mẹ khá buồn và lo. Thời sinh viên, tôi chỉ đi học cách nhà một, hai thành phố. Chưa bao giờ, tôi xa bố mẹ đến cả nửa vòng Trái đất thế này. Còn lúc tôi đăng ký thi hoa hậu, bố mẹ không ủng hộ lắm. Bố mẹ lo khả năng tiếng Việt của tôi chưa tốt. Nhưng bố mẹ cũng không ngăn cản, vì thấy tôi đang tìm kiếm nhiều trải nghiệm mới. Quá trình tôi thi, bố mẹ mừng khi nhìn tôi vui, gặp gỡ nhiều bạn bè.

Đến bây giờ, bố mẹ vẫn hay nhờ các bác, các cô qua nhà kiểm tra xem tôi ăn ở thế nào, có nấu ăn không, có dọn dẹp không. Nhưng bố mẹ đã yên tâm hơn về cuộc sống của tôi ở Việt Nam.

– Lúc ở Mỹ, chị làm công việc gì?

– Mùa dịch, tôi từng kết hợp bạn bè kinh doanh khẩu trang, hợp tác với một số trường học và bệnh viện. 24 tuổi, tôi khởi nghiệp với một công ty mỹ phẩm, xuất khẩu mỹ phẩm từ Mỹ về Việt Nam. Ở bên kia, tôi chủ yếu làm một mình, còn tại Việt Nam, người thân, họ hàng hỗ trợ tôi. Do lệch múi giờ, tôi thường làm việc với mọi người vào ban đêm. Còn ban ngày, tôi gặp đối tác hoặc làm các việc cá nhân. Tôi dừng công ty khi có ý định chuyển về Việt Nam sinh sống.

– Một mình về nước khi đang có nền tảng tốt như vậy, chị gặp những thử thách nào?

– Ở Mỹ, tôi có rất nhiều bạn bè. Còn về đây, tôi bắt đầu phải kiếm bạn. Tôi gần như làm lại từ đầu mọi việc. Nhưng tôi không nuối tiếc, chỉ thấy hào hứng. Tôi muốn cố hết sức với từng lựa chọn.

20 năm qua, tôi về nước bốn lần để thăm gia đình và đi du lịch. Tôi học nhiều phong tục của người Việt và trau dồi ngôn ngữ. Khả năng giao tiếp tiếng Việt của tôi chưa hoàn hảo, còn nhiều từ ngữ chưa biết. Mỗi khi nói chuyện, tôi vẫn tư duy bằng tiếng Anh rồi dịch ra tiếng Việt trong đầu.

Tôi nghe người lớn trong nhà kể lúc bé, về đây tôi chỉ nói tiếng Anh. Nhưng sau này, tôi thích nói tiếng Việt hơn. Anh chị họ hỏi tiếng Anh, tôi cũng trả lời tiếng Việt.

Lan Anh gói bánh chưng cùng gia đình khi ở Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lan Anh gói bánh chưng cùng gia đình khi ở Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

– Những ngày đầu theo bố mẹ sang Mỹ để lại ấn tượng gì trong chị?

– Lúc ấy còn nhỏ tuổi, tôi chưa ý thức được mình chuyển đến một đất nước khác, chỉ nghĩ mình đi tới một vùng khác thôi. Mới sang Mỹ, tôi chưa biết tiếng Anh, đi học rất bỡ ngỡ và khá sốc văn hóa. Thấy tôi không giao tiếp được, các bạn không chào đón tôi. Tôi không có được sự kết nối nào ở trường học.

May mắn là các cô giáo rất nhiệt tình giúp tôi hòa nhập. Ở nhà, mẹ cũng luôn động viên tôi không cần ngại mình khác biệt, lạ lẫm với các bạn và khuyên tôi tự tin thể hiện bản sắc của mình. Sau hai năm, vốn tiếng Anh đủ tốt, tôi bắt đầu có bạn. Tôi dần cảm nhận vùng đất ấy là nhà của mình, dù đôi khi, tôi vẫn đòi về Việt Nam vì nhớ ông bà và các anh chị họ.

– Đời sống học đường ở Mỹ rất cởi mở và sôi động. Trải nghiệm của chị thì sao?

– Tôi may mắn được bạn bè nhận xét hiền lành, dễ gần và dành cho sự quý mến. Tôi có đông bạn bè nhưng hội nhóm chơi thân thường nhỏ. Ai mới quen cũng nghĩ tôi hướng nội. Nhưng chơi với tôi rồi, mọi người sẽ nhận ra tôi cũng thuộc típ cởi mở, chỉ là tôi không quá xô bồ.

Từ xưa, tôi đã thích các không gian yên tĩnh và ấm cúng, nên tôi ít khi vào các khu trung tâm đông đúc. Cuối tuần, tôi và bạn bè hay đi xem phim, ra biển, cắm trại vì thích các hoạt động ngoài trời, gần gũi thiên nhiên.

Có một thời gian, tôi rất thích làm đồ gốm. Tôi cũng từng học piano. Tôi không giỏi nấu ăn nhưng thích làm bánh và một số món tráng miệng. Tôi từng chơi bóng chuyền trong hai năm và sau đó chuyển sang tham gia đội chạy.

– Chị từng trải nghiệm những công việc làm thêm nào ở Mỹ?

– Thời sinh viên, tôi từng phụ việc ở tiệm bánh mì, với công việc chính là kẹp toping theo đơn hàng của khách. Sang đến quán trà sữa, tôi pha chế và làm bánh. Nhưng tôi tập trung học là chính, mỗi tuần chỉ đi làm ba hoặc bốn buổi. Tiền kiếm được từ việc làm thêm tôi dành cho chi phí tham gia các câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa ở trường.

Lan Anh phân loại giấy, phế liệu trong hành trình thực hiện các dự án bảo vệ môi trường bên lề cuộc thi Miss Earth. Ảnh: TNA Entertainment

Lan Anh phân loại giấy, phế liệu trong hành trình thực hiện các dự án bảo vệ môi trường bên lề cuộc thi Miss Earth. Ảnh: TNA Entertainment

– Thời học sinh và sinh viên, chị lan tỏa văn hóa Việt với bạn bè ở quốc gia đa chủng tộc thế nào?

– Các ngày lễ ở Mỹ, tôi hay rủ các bạn về nhà và đãi họ món phở do tôi tự nấu. Mẹ tôi cũng hay làm bún riêu, các món cơm nhà thuần Việt mời bạn bè tôi.

– Không ít người nhập cư chật vật tìm kiếm cơ hội học tập và làm việc, định vị bản thân ở xã hội Mỹ. Chị thì sao?

– Tôi may mắn khi là công dân toàn cầu. So với nhiều bạn đồng trang lứa, tôi thấy mình có lợi thế ở vốn hiểu biết về nhiều nền văn hóa, đặc biệt là về châu Á, có thể mang lại giá trị khác biệt. Tôi cũng tự thấy mình dễ giao tiếp, biết cách bộc lộ sự quyết tâm và thể hiện bản thân xứng đáng với từng cơ hội, nên được mọi người đón nhân, không gặp nhiều khó khăn khi làm việc ở Mỹ.